Cập nhật: 16/02/2024 08:30:00
Xem cỡ chữ

Lễ hội Đền Hai Bà Trưng, một trong những lễ hội đầu Xuân đặc sắc nhất Việt Nam đã chính thức khai hội. Vào tối 16/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã đến dâng hương tưởng niệm Hai Bà Trưng nhân kỷ niệm 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và tham dự khai mạc Lễ hội Đền Hai Bà Trưng do Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội tổ chức tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng.

Cùng dự có đồng chí Bùi Huy Vĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đoàn Đại biểu Quốc tỉnh Vĩnh Phúc. Và lãnh đạo một số ban, sở, ngành của tỉnh.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cùng các đại biểu dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức của Hai Bà Trưng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cùng các đại biểu đã thành kính dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của Hai Bà Trưng và cuộc đấu tranh bất khuất của Hai Bà cùng hào kiệt bốn phương đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc, mang lại độc lập cho đất nước. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã ghi mốc son chói lọi đầu tiên trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Ngay sau khi khởi nghĩa thắng lợi, Hai Bà xưng Vương, lập kinh đô, tiến hành củng cố, xây dựng lại đất nước. Hai Bà Trưng trở thành vị Vua nữ đầu tiên của dân tộc, nữ Vương đầu tiên trên thế giới, là tấm gương oanh liệt và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng cách đây 1984 năm càng khẳng định chân lý: khi một dân tộc đã đoàn kết nhất trí đứng lên, kiên quyết đấu tranh để giành lại tự do, độc lập cho Tổ quốc mình thì không một lực lượng nào thắng được. Bài học dân là gốc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc từ gần 2000 năm trước đã được minh chứng qua chiều dài lịch sử của dân tộc và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Một số hoạt cảnh trong chương trình Nghệ thuật đặc biệt "Âm vang Mê Linh" tại Lễ hội Đền Hai Bà Trưng xuân Giáp Thìn 2024.

Ngoài các hoạt động rước kiệu, cúng tế tại lễ hội theo nghi thức truyền thống địa phương, các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống, thi đấu thể thao đã được tổ chức phục vụ Nhân dân và du khách đến với lễ hội. Cùng với lễ kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Khai hội Đền Hai Bà Trưng Xuân Giáp Thìn đã diễn ra Chương trình nghệ thuật trình diễn âm thanh, ánh sáng đặc sắc bằng công nghệ hiện đại với chủ đề “Âm vang Mê Linh”.

Đây là một chương trình nghệ thuật bán thực cảnh, kết hợp công nghệ 3D hiện đại được tổ chức lần đầu tiên tại một lễ hội, kể câu chuyện lịch sử theo cách thức hiện đại với các chương hồi, cảnh diễn nối tiếp, được biến chuyển tinh tế bằng kĩ xảo ánh sáng, âm nhạc hấp dẫn và đa dạng hình thức thể hiện mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo về không gian của vùng đất Âu Lạc trong buổi đầu lập nước, giữ nước; về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và tinh thần quật khởi của Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Năm 2013, Đền Hai Bà Trưng được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt. Năm 2018, Lễ hội Đền Hai Bà Trưng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành và Nhân dân cả nước, khu di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng được trùng tu, tôn tạo, ngày càng khang trang, là một công trình Văn hóa tâm linh, Di tích Lịch sử - Văn hóa - Cách mạng đặc sắc; điểm đến hấp dẫn du khách.

Ngọc Anh